Có thể nói từ sáng tới đêm, dân ăn vặt Sài thành chẳng bao giờ sợ lỡ bữa, cứ bước chân ra khỏi cửa hoặc thậm chí chả phải đi đâu, quà vặt luôn phục vụ mọi nơi mọi lúc.
Sài Gòn vốn là mảnh đất cho dân tứ phương về đây lập nghiệp. Chính vì thế, có thể nói nơi đây hội tụ mọi tinh hoa ẩm thực Việt. Bài viết này sẽ đề cập tới các món ăn vặt đặc trưng của sài gòn và đây củng là nghề mưu sinh của bao con người giữa lòng thành phố.
Bánh tráng trộn :
Mặc dù nổi tiếng sau khi được nhiều diễn đàn chia sẻ về chỗ ăn bánh tráng trộn ngon và sạch, nhưng vợ chồng chú Viên không lấy làm kiêu ngạo và “chảnh” vì đông khách như nhiều quán khác. Chú Viên vẫn giữ thái độ phục vụ tận tình, chu đáo kể cả khi khách hàng hối tới tấp, vẫn chăm chút cho từng bịch bánh tráng trộn và hào phóng cho vào đủ thứ “nhân”.
Chú Viên cho biết, một bịch bánh tráng trộn giá 10 đến 15 ngàn thì coi như chỉ lấy công làm lời thôi. Hai vợ chồng chú phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu cho một ngày bán hàng - từ lúc 3h30 chiều đến 9h tối. Có hai người con phụ giúp nữa là 4 người, làm quần quật hết buổi sáng. Sở dĩ bán bánh tráng trộn mà gia đình chú vất vả như vậy vì cố gắng tự chế biến hầu hết mọi thứ cho sạch sẽ.
Chỉ nhìn số lượng khổng lồ trứng cút đã bóc vỏ, hành khô tự phi, tôm khô và đậu phộng tự rang, bò khô và rau răm tự lặt và rửa mới thấy món ăn vặt này tốn nhiều thời gian của gia đình chú Viên đến mức nào. Chú cho biết, chỉ có món khô mực là đặt ở Nha Trang và muối tôm mua ở Tây Ninh thôi, còn lại tất cả đều tự chế biến để đảm bảo chất lượng. Thật ấn tượng với món tương ớt nhà chú tự làm, có màu đỏ rất đẹp và ngon mắt, chú bật mí là do xay bằng ớt Ba Tri và ớt hiểm lẫn với nhau để ra màu đẹp như vậy.
Nhiều người mê món bánh tráng trộn nhưng không dám mua ở những xe đẩy ngoài đường vì sợ không vệ sinh và hóa chất. Thật vậy, món tôm khô bán sẵn nhiều nơi có phẩm màu công nghiệp, thậm chí khô bò nếu lấy ở những nơi không uy tín có thể làm từ bò đông lạnh quá lâu hoặc không tươi.
Khách hàng tới ăn bánh tráng trộn chú Viên chỉ một lần là phải quay lại, có lẽ vì có cảm giác sạch sẽ và ngon miệng, lại rẻ hơn nhiều so với những quầy bánh tráng trộn khác nữa (cùng giá 10 ngàn nhưng “nhân” của bánh tráng trộn chú Viên cho nhiều hơn). Tuy nhiên, nhiều người thấy nản vì phải chờ rất lâu mới đến lượt mình. Lúc ấy chú Viên “động viên” khách nên chạy đi một vòng rồi quay lại sau. Chú cũng đóng gói sẵn những bịch bánh tráng trộn chưa chan nước để giảm bớt thời gian chờ đợi.
Món bánh tráng trộn trông rất đơn giản nhưng làm lại cầu kỳ và lắt nhắt. Nếu đếm động tác thì phải chục động tác có dư thì chú Viên mới làm xong một phần bánh tráng trộn: bánh tráng cho thêm một ít khô bò đen, một chút khô mực, một muỗng tép rang, một muỗng đậu phộng, vài quả trứng cút luộc và chiên, một chút muối tôm, một ít xoài cắt sợi, hành phi khô, dầu hành, tương ớt, dầu điều, nước sốt và rau răm. Tất cả tạo ra một bản hợp ca của hương vị và màu sắc, dội vào tận cùng của mọi giác quan đến mức bánh tráng trộn đã trở thành món “gây ghiền” của nhiều người.
Bánh tráng trộn Chú Viên
Địa chỉ: 38 Nguyễn Thượng Hiền, phường 05, quận 03
Mở cửa: 3h30 chiều đến 9h tối
Giá: Bánh tráng trộn (10.000đ - 15.000đ/phần)
Chuối nếp nướng
Ít ai ngờ rằng món ngon dân dã Nam bộ này lại được yêu thích nhất tại Đại hội Ẩm thực đường phố (World Street food Congress) tổ chức tại Singapore vào cuối tháng 05 vừa qua.
Và thú vị hơn là, người đại diện Việt Nam mang món ăn này đến Singapore là chị Thủy - chủ của quầy chuối nếp nướng nổi tiếng hơn 20 năm trên đường Phan Đăng Lưu.
Chị Thủy cho biết, vừa rồi chị được sang dự Đại hội món ăn đường phố thế giới" (World Street Food Congress) tại Singapore là nhờ sự giới thiệu của chuyên gia ẩm thực Võ Quốc. Anh Võ Quốc không hề biết chị Thủy trước đó. Tuy nhiên dựa vào những bình chọn của cư dân mạng thì đây là quầy chuối nếp nướng ăn cùng nước cốt dừa thuộc hàng ngon nhất Sài Gòn, từng được nhiều báo chí nước ngoài ca ngợi, nên anh đã quyết định giới thiệu với Ban tổ chức.
Thường ngày tại Việt Nam, chị Thủy bán gần 300 chuối nếp nướng/ngày. Tuy nhiên trong quãng thời gian gần 10 ngày tại Singapore, mỗi ngày chị Thủy bán tới 700 chuối nếp nướng với giá của mỗi phần là 4 đô Sing (tương đương gần 70.000đ, trong khi giá bán ở Việt Nam chỉ 10.000đ/phần). Chuyên gia ẩm thực - Tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng tham dự Đại hội này và xác nhận rằng người Singapore và khách du lịch xếp hàng dài nhất trước quầy bán chuối nếp nướng của chị Thủy.
Những quầy bán chuối nếp nướng đông khách ở Sài Gòn thường dùng loại chuối sứ Mỹ Tho đã chín mùi để làm chuối nếp nướng, vì nếu dùng chuối vừa tới chín sẽ dễ bị chát.
Vỏ xôi nếp bọc bên ngoài trái chuối đã được trộn nước cốt dừa nên khi nướng lên ăn vừa giòn vừa béo béo. Không những thế món chuối nướng này còn được chan lên nước cốt dừa thơm phức, cùng với mè rang vàng.
Chuối nếp nướng Phan Đăng Lưu
Địa chỉ: 109 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận
Giờ mở cửa: Từ 3h chiều đến 8h - 9h tối
Giá: 10.000đ/phần
Bột chiên
Trong các món ngon của Sài Gòn thì bột chiên có lẽ là món ăn "đã mắt" nhất. Vì đây không phải là món chuẩn bị sẵn để khi khách gọi là dọn ra được ngay, mà người đầu bếp phải làm liên tục mỗi khi khách yêu cầu. Xem chiên bột như một màn trình diễn thú vị: hai tay phải liên tục đảo những miếng bột trắng cắt vuông (hay chữ nhật tùy theo quán) trên mặt chảo gang phẳng tròn, đập tan cái trứng gà như một chất kết dịnh khéo léo các miếng bột thành một khối, rồi thêm một chút tỏi, cải xá bấu, hành lá xắt nhỏ... Một bữa tiệc trình diễn đủ làm hài lòng bất cứ thực khách nào. Có lẽ vì vậy mà số lượng quán bột chiên ở Sài Gòn không nhiều lắm vì bán cực hơn so với các món làm sẵn như cơm tấm, phở, hủ tiếu... vốn chỉ chan vào tô hay múc ra dĩa là xong.
Theo nhiều tài liệu thì loại bột cho món ăn này cũng khá cầu kỳ: phải được làm bằng gạo mới, sau khi ngâm, xay, khuấy, hấp chín thành bánh thì mặt bột phải mịn, còn đủ độ dẻo, có nơi pha thêm bột năng hoặc bột nếp, tuỳ bí quyết riêng để giữ độ dẻo cho bột. Nếu pha nhiều loại bột khác thì sau khi chiên sơ bột rất dễ bị cứng. Chảo cho món bột chiên phải là loại bằng gang, ở giữa mo cao để không bị đọng mỡ. Người đầu bếp phải rất nhanh tay bởi chiên món này phải để lửa lớn, chỉ ba bốn mươi giây là xong rồi (đó là cũng là lý do chiên bột tại nhà bằng bếp ga thông thường không bao giờ ngon bằng ở tiệm).
Bột chiên du nhập vào Sài Gòn từ rất lâu, cũng có họ hàng xa gần với món bánh củ cải trong thực đơn điểm tâm của người Hoa gốc Quảng Đông. Tuy nhiên món ăn chơi này chỉ thực sự được nhiều người Sài Gòn biết đến vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi nó nở rộ trên con đường sầm uất Võ Văn Tần (quận 03). Ngày đó cả khúc đường có hơn 10 quán, cứ chiều đến là náo nhiệt cả một khu. Ngày nay chỉ còn vài quán trụ lại như Đạt Thành, hay trong con hẻm to thông ra đường Nguyễn Thị Minh Khai (khúc gần với Cách Mạng Tháng 8).
Tín đồ của món ăn chơi này thường kháo nhau phải vào Chợ Lớn ăn thì mới ngon và đúng nhất. Mà thật vậy, ăn bột chiên là phải vào tận những khu người Hoa sinh sống, nghe tiếng xèo xèo, hít hà mùi khói thơm từ cái chảo gang nóng hổi... thì mới thấy hết cái ngon của món này.
Bột chiên Hải Thượng Lãn Ông
Địa chỉ: 190 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 05
Mở cửa: 2h chiều đến 1h sáng
Giá: Bột chiên trứng (25.000đ/dĩa)
Bột chiên Đạt Thành
Địa chỉ: 277 Võ Văn Tần, phường 05, quận 03
Mở cửa: 4h chiều đến 10h tối
Giá: bột chiên (18.000đ/dĩa), gỏi bò (15.000đ/dĩa), bò bía (3.000đ/cuốn)
Há cảo
Há cáo, xíu mại hay những món "cùng họ" Dim Sum (điểm tâm) như bánh xếp tự khi nào đã trở thành món ăn vặt quen thuộc của người Sài Gòn. Thật khó để lãng quên hình ảnh chiếc xe há cảo nhỏ với nồi hấp nghi ngút khói được người bán đẩy đi khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Nhưng đó là chuyện của những năm 90 thế kỷ trước, vì dần dần trào lưu bánh tráng trộn cùng nhiều món ăn đường phố khác như bắp xào, bánh mì, bánh ướt... phát triển mạnh mẽ theo hướng "cơ động hóa" khiến cho món ăn chơi này khó tìm thấy hơn.
Để ăn há cảo hay xíu mại một cách bài bản, không thể không nhắc đến những nhà hàng Hoa lớn ở Sài Gòn như Hoằng Long ở Công trường Mê Linh (quận 01), hệ thống Hoàng Thành - Đại Thống (nay đã dời qua quận Tư), chuỗi nhà hàng Sài Gòn 1, 2, 3... Kế đến là các trà quán của người hoa gốc Quảng Đông nằm rải rác ở các quận (tương tự như mô hình của Huệ Hưng trà gia), chủ yếu ở quận 05, quận 06 hay quận 11. Điểm chung là há cảo, xíu mại được hấp trong xửng và phục vụ riêng lẻ. Có chỗ thì dọn hết ra bàn - ăn tới đâu tính tiền tới đó, chỗ thì chỉ phục vụ những món khách kêu. Thậm chí ở những nhà hàng lớn người ta còn xếp các món này trong xe đẩy và phục vụ tận bàn cho thực khách.
Nhưng chắc có lẽ không nơi nào trên thế giới có kiểu thưởng thức các món Dim Sum độc đáo như vỉa hè Sài Gòn. Không hấp trong xửng riêng lẻ như thường thấy ở các trà quán hay nhà hàng truyền thống, há cảo, xíu mại hay thậm chí là bánh xếp được hấp chung trong một cái nồi to. Kích cỡ được thu nhỏ phần nào để có thể bán được nhiều hơn chứ không chỉ là 2 hay 4 viên như thường thấy ở các trà quán. Nhưng đặc biệt nhất là hỗn hợp nước chấm pha sẵn từ giấm và nước tương, cũng như các món ăn kèm là rau răm và hành phi. Sự kết hợp thú vị này khiến cho hình thái của món ăn khác xa so với nguyên bản, nhưng cũng ngon và thú vị hơn bội phần.
Ngoài ra còn có cách ăn há cảo chiên cũng khá thú vị. Nhúng cả viên há cảo giòn rụm vào chén nước chấm mới thấy hết cái hấp dẫn của cách ăn biến tấu này.
Địa chỉ : Há cảo - xíu mại - bánh xếp Vĩnh Viễn
Địa chỉ: 500 Vĩnh Viễn, phường 08, quận 10
Mở cửa: 11h sáng đến 10h tối
Giá: 17.000đ/dĩa
Há cảo Bàn Cờ
Địa chỉ: 86 Ký Hòa, phường 11, quận 05
Giờ mở cửa: từ 2h chiều đến 9h tối
Giá: đồng giá 15.000đ/phần cho các món Há cảo (chiên & hấp), Gỏi khô bò, Cá viên chiên, Bột chiên